Về lập kế hoạch thanh tra xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công thương
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Lê Việt Long - Chanh thanh tra Bộ Công Thương; Hoàng Phương - Cục trưởng Cục Quản lí Thị trường tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện các nhà khoa học, nghiên cứu.
Chủ trì và phát biểu tại hội thảo Tiến sĩ Lê Việt Long (ảnh trên) - Chánh thanh tra Bộ Công Thương nêu rõ: mục tiêu của Đề tài là Xác định cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương. Để thực hiện mục tiêu này, Đề tài cần xây dựng các mục tiêu cụ thể: Về lý luận, phân tích, đánh giá những vấn đề liên quan đến quan niệm, phạm vi, nội dung, đối tượng, tiêu chí cụ thể, phương thức, trình tự, thủ tục, cơ chế phối hợp, các yếu tố tác động trong và ngoài..v.v. đối với công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương. Về thực tiễn, phân tích, đánh giá thực trạng quy định pháp luật thanh tra nói chung, quy định pháp luật chuyên ngành nói riêng góp phần giải quyết những bất cập của pháp luật, đặc biệt là những quy định liên quan đến nguyên tắc, thẩm quyền, phạm vi, nội dung, phương thức, trình tự thủ tục, cơ chế phối hợp trong công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra ngành Công Thương. Đồng thời, phân tích, đánh giá thực trạng áp dụng quy định pháp luật trong công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra ngành Công Thương. Qua đó, đưa ra các đề xuất được giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện công tác lập kế hoạch nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
Tại hội thảo, các thành viên tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến cho Đề tài khoa học cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Đánh giá chung, các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến chủ đề của Đề tài được chia thành ba nhóm công trình nghiên cứu chính sau đây: Nhóm các công trình nghiên cứu về công tác lập kế hoạch thanh tra; Nhóm các công trình nghiên cứu về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra; Nhóm các công trình nghiên cứu về kinh nghiệm lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra tại một số Bộ, ngành, địa phương.
Các công trình nghiên cứu, luận văn, bài viết trên phần nào đã cho thấy một cái nhìn bao quát, tổng thể về thực tiễn việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Vấn đề xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra nói chung đã được khá nhiều công trình nghiên cứu trong nước đề cập đến. Các công trình này phần nào đã nghiên cứu, phân tích, làm rõ một số vấn đề về thực trạng, đề ra các định hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xử lý chồng chéo ở những khía cạnh nhất định. Tuy nhiên, các công trình này chưa cho thấy được một bức tranh tổng thể về lý luận, thực trạng, giải pháp toàn diện đối với công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương: Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giữa Thanh tra, kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường với Thanh tra Sở Công Thương và cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại địa phương); Trong chương trình thanh tra phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính. Do vậy, đây là một vấn đề mới, là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện cả về phương diện lý luận và thực tiễn, góp phần đảm bảo chương trình, kế hoạch thanh tra ngành Công Thương phù hợp hơn, hạn chế được sự chồng chéo, bất cập.
Do vậy, việc nghiên cứu giải pháp hoàn thiện công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương một cách toàn diện là cấp thiết.
Nếu nghiên cứu thành công, kết quả nghiên cứu đề tài sẽ tác động và có những lợi ích thực tiễn: Đóng góp cơ sở khoa học để cơ quan thanh tra ngành Công Thương tham mưu, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến hoàn thiện công tác lập kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra như pháp luật thanh tra nói chung, pháp luật chuyên ngành nói riêng. Cung cấp luận cứ khoa học để triển khai thực hiện các quy định của Luật thanh tra được sửa đổi toàn diện trong thời gian tới đây. Sẽ là nguồn thông tin, tài liệu tham khảo có giá trị cho các cơ quan có thẩm quyền thanh tra ngành Công Thương, Viện nghiên cứu, các trường đại học trong việc nghiên cứu, tư vấn hoàn thiện pháp luật thanh tra nói chung và quy định về công tác lập kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo, trùng lặp hoạt động thanh tra nói riêng. Qua đó góp phần củng cố cơ sở lý luận hoạt động thanh tra là một trong những phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Việc nghiên cứu đề tài sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của tổ chức chủ trì là cơ quan Thanh tra Bộ, các cá nhân là thanh tra viên Bộ Công Thương, nghiên cứu viên Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tham gia thực hiện đề tài thông qua việc tham gia trực tiếp thực hiện nghiên cứu các nội dung của đề tài